Omission Bias – Thấy chết mà không cứu

Đọc tin tức về vụ một người lái taxi gây tai nạn đụng phải một đôi nam nữ giữa đêm khuya đang rộ lên trên mặt báo gần đây. Bên cạnh những lời thương cảm về cái chết thương tâm của cô gái trẻ sau vụ tai nạn thì cộng đồng càng tỏ ra phẫn nộ hơn vì nhiều người, kể cả tài xế đã dửng dưng bỏ mặc hai người bị nạn ở đó và bỏ đi.

Bỏ qua việc đúng sai thì câu chuyện này làm mình nhớ tới một lỗi tư duy mà mình đã từng được đọc là Omission Bias. Mình chưa biết dịch tiếng Việt cho thuật ngữ này như thế nào, nên tạm thời sẽ dùng thuật ngữ tiếng Anh cho nó.

Giả sử có hai tình huống A và B đều dẫn đến chết người. Trong tình huống A, một người cố ý sát hại một người khác. Còn trong tình huống B thì tương tự với hành vi những người dân đã bàng quang ở câu chuyện trên, thấy chết mà dửng dưng, không cứu. Và Omission Bias chính là ám chỉ trạng thái tâm lý của chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ tính nghiêm trọng của việc “không hành động”. Trong thâm tâm mỗi người, nếu ta vô tình rơi vào tình huống thấy chết mà không cứu, thì lương tâm vẫn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn là ta cầm dao đi giết một ai đó.

Nhưng mà liệu có thực sự “nhẹ nhàng” hơn hay không khi kết quả cuối cùng vẫn là một sinh mạng bị tước đi? Có khác biệt nhiều không khi chỉ cần một cú điện thoại gọi cho bệnh viện là chúng ta đã góp phần nâng cao xác suất sống của người bị nạn, và con người ta vẫn chọn đứng nhìn?

Learning how to think

Vài suy nghĩ nhanh về việc “học cách suy nghĩ”

  • Kỹ năng “suy nghĩ”, hay còn gọi là “cách tư duy” là một trong những kỹ năng rất quan trọng quyết định sự thành bại của một con người. Tuy nhiên, rất ít trường lớp nào thực sự dạy được những kỹ năng này.
  • Suy nghĩ kém là một trong các nguyên nhân làm chúng ta bận rộn, bận rộn trong việc sửa những sai lầm tạo ra bởi chính mình.
  • Để thực sự suy nghĩ một vấn đề nào đó, bạn cần phải hoàn toàn tập trung vào nó, để cho bản thân nhập tâm vào những khía cạnh của vấn đề, từ đó lần mò hướng đến giải pháp.
  • Để suy nghĩ tốt, bạn cần phải rèn luyện và học cách nghĩ thật nhiều, nghĩ một cách có hệ thống.
  • Để suy nghĩ nhanh và hiệu quả, bạn cần phải suy nghĩ chậm, và hiệu quả trước. Sau khi đã nghĩ thuần thục thì bắt đầu tăng tốc độ cho đến một thời điểm nào đó khi nghĩ đã quen thì sẽ đạt tới trình độ nghĩ nhanhhiệu quả. Nhiều người trong chúng ta thường luyện tập theo chiều ngược lại.
  • Để suy nghĩ đúng, cần phải kiên nhẫn lắng nghe và phân tích những suy nghĩ của chính bản thân mình. Những suy nghĩ đầu tiên khi đối diện một vấn đề sẽ không chắc là một suy nghĩ đúng đắn nhất.

Problem, Recipe and Solution

Làm việc với một vài anh chị senior và học được vài điều về mối quan hệ giữa ba khái niệm này.

Recipe hay nói nôm na là “công thức”, là những khuôn mẫu/cách thức mà chúng ta hay dùng để xử lý các vấn đề xung quanh công việc và cuộc sống của mình. Ví dụ như khi gặp một tình huống bất đồng quan điểm thì một anh senior sẽ có công thức là tạm hoãn buổi họp, yêu cầu mọi người về chuẩn bị thêm data và viết ra quan điểm của mình trước rồi mới quay lại họp tiếp, một anh senior khác thì lại sẽ có cách khác, ….

Recipe thì muôn hình vạn trạng. Và dần dần theo kinh nghiệm, mỗi người sẽ đúc kết được những recipe quan trọng mà bản thân hay dùng.

Khi làm việc với các anh chị senior hơn, thứ quý giá của họ sẽ là kinh nghiệm, được biểu hiện thông qua các recipe xử lý vấn đề của họ. Cần chủ động quan sát và học hỏi họ để đúc kết thành những recipe của riêng mình.

Khi gặp vấn đề, nếu chưa biết cách giải quyết thì cần tham khảo những “recipe” từ sách vở, từ người có kinh nghiệm, sau đó phân tích và thử nghiệm để tìm ra “solution” phù hợp.

Một recipe có thể hay, nhưng không hẳn đã là “solution”.

Mỗi recipe sẽ có công dụng trong một vài hoàn cảnh cụ thể. Không nên xem một recipe nào đó là “viên đạn bạc” và áp dụng cho mọi vấn đề mắc phải.

Inversion – Nghĩ ngược lại và làm khác đi

Nhân vật Sherlock Holmes đã từng có câu nói kinh điển “Once you eliminate the impossible, whatever remains, no matter how improbable, must be the truth.” – Một khi bạn loại bỏ tất cả những điều không thể, thì điều còn lại, dù khó tin đến như thế nào, vẫn sẽ là điều có thể.

Trong số những mô hình tư duy phổ biến thì “tư duy ngược” là kiểu tư duy được áp dụng rất rộng rãi.

Áp dụng lối tư duy này, khi gặp bế tắc trong các vấn đề trong công việc và cuộc sống, chúng ta có thể thử tìm cách đặt câu hỏi, nhìn vấn đề theo những cách ngược lại.

Một vài ví dụ của việc tư duy ngược lại:

  • Thay vì đặt câu hỏi, làm sao để ra quyết định đúng, chúng ta có thể đặt câu hỏi là: có những “quyết định sai” nào mà chúng ta cần tránh?
  • Đối với dân lập trình, chắc bạn cũng không lạ gì thuật ngữ “anti-pattern”, hoặc “code smell”. Để làm cho những đoạn code đẹp và dễ bảo trì hơn, thay vì đặt câu hỏi là code đẹp là như thế nào, dân lập trình sẽ thường cố gắng refactor code của mình làm sao để tránh “code smell”.
  • Đối với dân làm sản phẩm, bên cạnh việc tìm cách để cho nhiều người dùng sử dụng sản phẩm của mình, chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao những người “không sử dụng” sản phẩm của mình lại có quyết định đó?
  • Đối với quyết định đầu tư, thay vì tìm hiểu xem một dự án là “tiềm năng” đến đâu, chúng ta có thể đặt câu hỏi là những dự án trước đây đã thất bại là vì cái gì?
  • Đối với dân start-up, thay vì tin rằng ý tưởng của mình sẽ thành công, có thể tự đặt câu hỏi là tại sao những ý tưởng tương tự đã thất bại?
  • Để tìm kiếm niche-market, đôi khi bạn cần trả lời câu hỏi “những phân khúc nào là không phù hợp với mình?”
  • Để tìm kiếm công việc phù hợp, bạn có thể thử suy nghĩ “những công ty nào mình nên tránh?”
  • ….

Local Optimum – Núi này cao còn núi khác cao hơn

Hình này minh hoạ cho việc một ai đó đã đạt được thành tích/vị trí cao trong một nhóm/tổ chức/công ty/cộng đồng nào đó, khi nhìn xung quanh, họ chỉ nhìn thấy những người yếu kém, dở hơn mình. Từ đó mang cho họ cảm giác mình là người giỏi nhất, người đứng đầu, …

Nhưng liệu thứ cảm giác đó có đáng tin? Khi ta đang đứng ở nơi cao hơn, so với người xung quanh, liệu ta có nên tự hào là ta “giỏi”?

Như hình dưới đây có thể thấy, việc phán xét giỏi hay dở vốn chỉ là tương đối. Quan trọng là ta so sánh mình với ai. Nếu mở rộng tầm mắt ra, thấy xa hơn, và tiếp cận càng nhiều hơn những người giỏi, và đạt thành tựu cao hơn ở xung quanh mình, tự bản thân lại cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Tự cho là mình giỏi, tự nghĩ là mình tài, hoá ra chỉ là do tầm mắt thật là gần.