Tiêu chuẩn của bạn là gì?

Hồi xưa, có lần mình chở thằng bạn người Singapore sang Việt Nam chơi bằng xe máy ngay một bữa trời mưa. Cả con đường đều ngập nước, có chỗ cao chỗ thấp. Vừa chạy mình vừa lạng lách để tránh nước tung tóe mà thằng bạn phía sau vừa ngồi vừa cười nắc nẻ.

Về đến nơi, vừa lau khô người hắn vừa bảo: “Tao hiểu tại sao người ta bảo người Singapore hay than phiền rồi. Lý do là vì tiêu chuẩn của tụi tao rất cao, dù là người bình thường. Mọi thứ ở Singapore mà tao thấy đều hướng đến sự hoàn hảo, hoàn thiện cao nhất có thể. Mấy vụ ngập nước thế này mà diễn ra ở Sin, là người dân sẽ la chí chóe cho mà xem.”
Mình thấy điều hắn nói là đúng.

Qua quá trình làm việc với vài bạn khách hàng người Singapore, điều mình học được từ họ là tiêu chuẩn họ rất cao, so với mặt bằng chung ở mình. Sự khắt khe trong chất lượng đôi khi lại đến từ một bạn sinh viên cao đẳng rất bình thường. Nhìn thấy giao diện có một lỗi chính tả, hay khi dùng phần mềm có gì đó bất tiện là bạn nhắc ngay, vì bạn cảm thấy nó “bất thường”. Còn ở Việt Nam thì mình thường dễ chấp nhận những sai lầm như vậy hơn.

Mình nghĩ sự khác biệt đó xoay quanh một thứ đó là “tiêu chuẩn” (standard). Tiêu chuẩn của một người nào đó, chính là cách họ nhìn nhân xem “thế nào thì là bình thường” với họ.

Mình làm việc với một bạn lập trình viên có tiêu chuẩn cao, khi bạn hoàn thành một công việc nào đó thì bạn sẽ khắc khe với chính mình hơn. Đôi lúc, có những việc rất nhỏ tưởng chừng như không hề liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của bạn, như một lỗi chính tả trong mock-up, hay một vài đối tượng được mô tả chưa hợp lý, thì bạn sẽ chủ động phản hồi lại cho mình, hoặc cho designer để điều chỉnh.

Khi bạn hiện thực một logic nào đó, bạn sẽ chủ động suy nghĩ đến những tình huống khác chưa được mô tả để làm rõ nó hơn. Trái lại, một bạn lập trình viện có tiêu chuẩn thấp hơn, bạn sẽ dễ hài lòng và thỏa hiệp với công việc của mình. Bạn nhận yêu cầu có vài điều chưa hợp lý trong đó, bạn sẽ vẫn cứ làm theo. Có lỗi thì sửa sau, lo gì? Với bạn, nhiệm vụ của bạn chỉ là code, yêu cầu được tạo ra là do người khác. Nên bạn chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ của mình, vậy là được. Bất kể nó có không hợp lý thế nào đi nữa.

Làm việc với một bạn designer có tiêu chuẩn cao, mình sẽ cảm thấy bạn chịu lắng nghe yêu cầu từ phía mình hơn. Khi thiết kế của bạn được duyệt, bạn sẽ không dừng lại ở đó mà còn tự suy xét lại quá trình mình làm trước đó đã ổn hay chưa. Rằng bạn có biết cách đặt câu hỏi và góp ý để bản thiết kế được tạo ra đúng với mục đích ngay từ đầu hay không? Rằng tại sao khách hàng lại yêu cầu thay đổi nhiều như vậy? Là do bạn chưa tìm cách hiểu đúng cũng như khơi gợi khách hàng nói ra những điều họ nghĩ và cảm nhận, hay chỉ đơn giản là họ thích đổi ý mà thôi?

Một bạn designer có tiêu chuẩn thấp sẽ tự hài lòng với mình ngay khi bản thiết kế của bạn được chấp nhận. Và bạn sẽ ngay lập tức nghĩ đến làm việc khác ngay, thay vì dừng lại và rút kinh nghiệm. Vì với bạn, vậy đã là được.

Nhìn chung, khi làm việc với những bạn có tiêu chuẩn cao, dù rằng bạn còn trẻ, mình vẫn sẽ có tự tin khi giao nhiệm vụ cho các bạn. Vì mình tin, bản thân bạn sẽ chủ động tìm tòi và đặt câu hỏi để bản thân hoàn thành công việc. Bạn vẫn có thể phạm sai lầm, nhưng sau khi phạm sai lầm đó, bạn sẽ chấp nhận và rút kinh nghiệm từ đó. Một bạn có tiêu chuẩn làm việc cao, thường khi được chỉ ra sai lầm, bạn sẽ nhanh chóng điều chỉnh để không phạm phải sai lầm đó. Còn bạn có tiêu chuẩn thấp, thì thường biểu hiện sẽ ngược lại, rằng “vậy đã là được rồi, cần gì làm tốt hơn”.

Một đội ngũ, gồm những người có tiêu chuẩn cao làm việc với nhau, sẽ mang đến chất lượng công việc cao hơn hẳn. Vì từng thành viên đều hướng đến việc không chỉ hoàn thành công việc của mình, mà còn hoàn thành nó một cách trọn vẹn nhất. Khi có lỗi xảy ra, mỗi thành viên sẽ tự xem lỗi ở khâu nào để cùng chỉnh sửa, thay vì đổ lỗi cho nhau.

Bản thân mình tin rằng, tiêu chuẩn là một trong các nhân tố giới hạn năng lực bản thân nhiều nhất. Bạn có thể trẻ, có thể non kinh nghiệm, nhưng đừng để tiêu chuẩn của bạn thấp. Khi tiêu chuẩn của bạn cao trong công việc cũng như trong cuộc sống, bạn sẽ luôn không ngừng phấn đấu, không ngùng học hỏi, quan sát, không ngừng rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân mình. Từ đó, bạn sẽ không ngừng tiến bộ. Trái lại, nếu tiêu chuẩn của bạn tự đề ra cho mình thấp, bạn sẽ dễ hài lòng với cuộc sống thực tại, dễ thỏa hiệp với bản thân. Dần dần, bạn sẽ càng ngày càng tụt lại so với những người xung quanh. Dừng lại, chính là đi lùi, mình tin vậy.

Vậy thì làm sao để nâng cao tiêu chuẩn bản thân? Một vài cách mình thấy hiệu quả:

Tìm kiếm một môi trường có tiêu chuẩn cao để sinh hoạt và làm việc. Một môi trường có tiêu chuẩn cao, là nơi mọi người khắt khe với sai lầm. Mọi lỗi lầm đều được mang ra mổ xẻ để rút kinh nghiệm. Dĩ nhiên, cũng là mổ xẻ sai lầm, nhưng có nơi biến điều này thành một hoạt động mang tính công kích khiến quá trình làm việc trở nên khó chịu. Mình nghĩ vậy cũng không hay. Việc chỉ ra lỗi lầm và rút tỉa nên là một hoạt động cầu thị mà mọi người đều hướng tới thì tốt hơn.

Quan sát những người giỏi trong lĩnh vực của mình làm việc. Khi càng ngày càng đi sâu vào một lĩnh vực nào đó, đằng sau mỗi hành động, mỗi câu chữ đều sẽ có ý nghĩa riêng của nó. Một người càng giỏi thì quá trình suy nghĩ dẫn đến hành động của họ sẽ càng nhiều, vì vậy mà họ sẽ hành động một cách thấu đáo hơn. Hãy luôn tự đặt câu hỏi “Tại sao họ làm vậy?”

– Mỗi khi hoàn thành một công việc nào đó, luôn dừng lại để tự hỏi: mình làm vậy đã là tốt nhất chưa, có cách nào làm tốt hơn nữa hay không?

Đọc sách, báo, tài liệu liên quan. Việc không ngừng đọc và tìm hiểu về lĩnh vực của mình cũng sẽ khiến bạn mở rộng phạm vi hiểu biết của mình ra để từ đó nâng tiêu chuẩn của mình lên cao hơn.

One thought on “Tiêu chuẩn của bạn là gì?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s