Hồi còn đi học, nhớ có một lần mình và thằng bạn cùng bạn cùng làm bài kiểm tra trắc nghiệm 15′ sinh học. Nếu so mình với hắn thì mình thuộc diện giỏi toán hơn, còn hắn lại giỏi môn sinh hơn. Hắn học bài rất tốt, hơn mình rất nhiều đặc biệt là môn này vì hắn muốn học làm bác sĩ sau này. Nhưng kết quả bài kiểm tra đó mình lại cao điểm hơn hắn. Và điều thú vị ở đây chính là khi mình cùng hắn thảo luận về kết quả, có vài câu hỏi mình trả lời đúng là vì mình chỉ biết một đáp án duy nhất, và tình cờ đó là đáp án chính xác. Còn hắn, do học nhiều hơn nên ngay cả những đáp án “gài” của cô hắn cũng cân nhắc vào, từ đó dẫn đến lựa chọn sai.
Một ví dụ khác, chắc các bạn cũng không ít lần gặp phải tình huống phải đưa ra một quyết định nào đó trong cuộc sống, và bạn muốn tìm hiểu thông tin để hiểu rõ và ra quyết định tốt hơn. Nhưng trong một số trường hợp, càng có nhiều thông tin thì bạn lại càng cảm thấy rối, càng khó ra quyết định, dẫn đến quyết định sai lầm.
Có một thuật ngữ ám chỉ chung tình trạng này, đó là Information Bias, một loại ảo tưởng nghĩ rằng càng có nhiều thông tin thì sẽ càng làm cho quá trình ra quyết định được chính xác hơn. Nhưng thật ra đôi khi lại ngược lại.
Để ra quyết định đúng, quan trọng không phải là có nhiều thông tin, mà điều quan trọng là “chất lượng” của nguồn thông tin bạn có. Và càng quan trọng hơn nữa là bạn phải có được những kỹ thuật xử lý, tiêu hoá những thông tin mình tiếp cận được để biến nó thành hữu ích cho mình.