Survivorship Bias – Đừng đánh giá cao xác suất thành công của bạn

Mười năm trước, khi nhóm của tôi quyết định bước chân vào con đường khởi nghiệp, chúng tôi lúc đó chỉ biết nhìn thấy các ví dụ thành công, và tin rằng mình cũng sẽ thành công tương tự như vậy. Sau bảy năm, công ty phải đóng cửa vì cuối cùng nó cũng chẳng đi đến đâu.

Và sau mười năm nhìn lại chặng đường mà chúng tôi đã trải qua, cũng như nhìn quanh những bạn trẻ xung quanh mình cũng không ngừng, không ngừng start-up. Tôi tự hỏi nếu có một lời khuyên mà tôi muốn dạy cho tôi của quá khứ, thì tôi sẽ dạy điều gì?

Thật ra là có rất, rất nhiều thứ tôi muốn dạy cho chính mình mười năm trước. Một trong các điều đó chính là “đừng bị mờ mắt bởi những thành công xung quanh mà nhắm mắt làm theo, hãy theo dõi và tìm cách học hỏi những thất bại xung quanh mình”.

Tôi muốn nói với chính mình của quá khứ rằng đằng sau mỗi start-up thành công là hàng trăm start-up thất bại, và đằng sau một ngôi sao trẻ đang lên đó là hàng trăm ngôi sao “có tuổi mà cũng chẳng có tên”.

Dùng thuật ngữ chuyên môn thì tôi muốn dạy cho chính mình bài học về “Survivorship Bias“, tức là đừng đánh giá quá cao xác suất thành công của mình. Khi bắt đầu chặng đường khởi nghiệp, nên viếng thăm “nghĩa địa của start-up”, nơi rất nhiều người trẻ, tài năng, thông minh, với những dấu hiệu hào nhoáng đã nổi lên trong những khoảnh khắc, để rồi sau đó lại chóng tàn.

Và, giả dụ như tôi có thành công đi chăng nữa, thì nhờ những chuyến viếng thăm “nghĩa địa” của chính mình, tôi cũng sẽ tự nhận ra rằng tôi đi đến được thành công là một điều may mắn đến dường nào.

Social Loafing – 1+1 < 2 hay là cha chung không ai khóc

Năm 1913, Maximilian Ringelmann, một kỹ sư người Pháp, trong quá trình nghiên cứu năng lực kéo của ngựa đã đưa ra một kết luận đó là khi cho hai con ngựa cùng kéo một đồ vật, thì lượng năng lượng cả hai con bỏ ra sẽ ít hơn so với việc mỗi con kéo riêng lẻ.

Khi áp dụng nghiên cứu tương tự cho con người, Maximilian cũng nhận thấy điều tương tự. Khi nhiều người đàn ông cùng tham gia vào cuộc thi kéo co thì tổng lực mà cả đội cùng bỏ ra sẽ ít hơn lực của từng cá nhân khi kéo riêng lẻ hết sức và cộng lại.

Thuật ngữ cho tình trạng này được gọi là “Social loafing” hay nói nôm na là “Cha chung không ai khóc”.

Tình trạng này xảy ra ở những tổ chức, những hoạt động trong đó nỗ lực của cá nhân là khó nhận thấy, và sẽ chìm lẫn trong nỗ lực của cả tập thể. Nếu tổ chức đó được định hướng một các hoàn hảo thì có thể là các cá nhân sẽ cố gắng cống hiến hết sức mình, nhưng thực tế điều này là rất khó. Tình huống thường thấy là các cá nhân sẽ chỉ phấn đấu một phần sức lực của mình, vì họ nghĩ rằng “người khác lo đủ rồi”.

Bài viết liên quan: Social Proof

Information Bias – Biết nhiều chưa hẳn đã tốt

Hồi còn đi học, nhớ có một lần mình và thằng bạn cùng bạn cùng làm bài kiểm tra trắc nghiệm 15′ sinh học. Nếu so mình với hắn thì mình thuộc diện giỏi toán hơn, còn hắn lại giỏi môn sinh hơn. Hắn học bài rất tốt, hơn mình rất nhiều đặc biệt là môn này vì hắn muốn học làm bác sĩ sau này. Nhưng kết quả bài kiểm tra đó mình lại cao điểm hơn hắn. Và điều thú vị ở đây chính là khi mình cùng hắn thảo luận về kết quả, có vài câu hỏi mình trả lời đúng là vì mình chỉ biết một đáp án duy nhất, và tình cờ đó là đáp án chính xác. Còn hắn, do học nhiều hơn nên ngay cả những đáp án “gài” của cô hắn cũng cân nhắc vào, từ đó dẫn đến lựa chọn sai.

Một ví dụ khác, chắc các bạn cũng không ít lần gặp phải tình huống phải đưa ra một quyết định nào đó trong cuộc sống, và bạn muốn tìm hiểu thông tin để hiểu rõ và ra quyết định tốt hơn. Nhưng trong một số trường hợp, càng có nhiều thông tin thì bạn lại càng cảm thấy rối, càng khó ra quyết định, dẫn đến quyết định sai lầm.

Có một thuật ngữ ám chỉ chung tình trạng này, đó là Information Bias, một loại ảo tưởng nghĩ rằng càng có nhiều thông tin thì sẽ càng làm cho quá trình ra quyết định được chính xác hơn. Nhưng thật ra đôi khi lại ngược lại.

Để ra quyết định đúng, quan trọng không phải là có nhiều thông tin, mà điều quan trọng là “chất lượng” của nguồn thông tin bạn có. Và càng quan trọng hơn nữa là bạn phải có được những kỹ thuật xử lý, tiêu hoá những thông tin mình tiếp cận được để biến nó thành hữu ích cho mình.

Confirmation Bias – Định kiến

Định kiến là khi chúng ta đã có một sự phán xét nào đó trong đầu, khi có những thông tin mới đến thì thay vì tự nhìn nhận lại những suy nghĩ của mình là đúng hay sai, chúng ta chỉ lưu ý đến những thông tin nhằm xác nhận định kiến của mình.

Ví dụ như chúng ta hay có một vài định kiến phổ biến như “sinh viên trường đó rất giỏi”, “dân thành phố thì phải giỏi tiếng anh hơn dân thành thị”, “thằng đó rất hay nói dối”, “làm việc trong nhà nước thì thể nào cũng quan liêu”, “người Trung Quốc thiếu lễ nghi”,… Những quan điểm này có thể đúng, cũng có thể sai, tuy nhiên điều mình muốn nhấn mạnh ở đây, đó là khi chúng ta bị những quan điểm này lấn át, khiến chúng ta phán xét những người chúng ta tiếp xúc không phải bằng cảm nhận cá nhân mà lại bằng những định kiến thì sẽ thật không công bằng.

Mình thấy có một vài nguyên nhân dẫn đến định kiến mà mình có thể nghĩ đến.

Nguyên nhân thứ nhất đó là do chúng ta “nghe”, “đọc”, “biết” những thông tin về một người/sự vật/hiện tượng nào đó trước khi thực sự được tiếp xúc. Việc biết một cách gián tiếp dẫn đến việc chúng ta tự xây dựng một hình dung về người/vật đó từ trước. Cho đến khi chúng ta thực sự tiếp xúc với người/sự vật/hiện tượng đó thì chúng ta lại dùng những hình dung trong đầu áp đặt lên người/sự vật/hiện tượng đó, từ đó dẫn đến định kiến.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do chúng ta nghe một ai đó đưa ra những nhận xét về người/sự vật/hiện tượng đó từ trước. Và chúng ta tin vào nhận xét đó, biến nó thành nhận định của mình mà không cần kiểm chứng.

Nguyên nhân thứ ba là do chúng ta khái quát hoá từ trải nghiệm của mình. Giống như chúng ta tiếp xúc với 2-3 người đến từ Pháp và cảm thấy họ thật là tử tế và nhẹ nhàng, thế là chúng ta tự quy nạp cho mình một ý nghĩ là người Pháp thật tử tế, …

… và những nguyên nhân khác.

Định kiến là một từ mang ý nghĩa tiêu cực với bản thân mình, bởi vì mình tin rằng định kiến thường đi kèm với tư duy đóng (fixed mindset). Nó sẽ bị giới hạn rất nhiều bởi kiến thức và thông tin của một người có thể tiếp thu được. Cuộc sống cũng thay đổi từng ngày, tự giới hạn mình bằng những định kiến cá nhân cũng giống như chúng ta tự chui vào cái vỏ ốc của chính mình và tự nghĩ rằng mình đã hiểu cả cuộc đời.

Mà cuộc đời thì đa dạng lắm thay.

Một sơ đồ đơn giản nhưng hiệu quả để hình dung được con đường đi đến sự khôn ngoan:

  • Dữ liệu (Data) là những thứ chúng ta cóp nhặt được.
  • Khi dữ liệu được phân loại, sắp xếp, đánh nhãn, chúng ta có thông tin (information).
  • Khi kết nối thông tin lại với nhau, chúng ta có được kiến thức (knowledge).
  • Nhìn ra được những kiến thức quan trọng và cốt lõi, ta thu được insight.
  • Nhìn ra được những điều đơn giản từ mớ bòng bong kiến thức, và hiểu được cách mọi thứ tương tác, liên đới với nhau, ta tiếp cận dần đến sự khôn ngoan “wisdom”