Hindsight Bias – Ta đã từng … ngu như vậy đấy

Hindsight Bias.png

Hình này minh họa một người X muốn đi từ trái qua phải. Lúc ban đầu, người này nhìn thấy con đường A và bắt đầu đi.

Nhưng sau khi đã đi hết con đường A thì X lại nhìn thấy lẽ ra mình nên đi con đường B, một con đường khác và có thể đã tạo ra một kết quả khác, có khi tốt hơn hiện tại. Và X cho rằng mình đã sai lầm khi chọn con đường A và bắt đầu cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình.

Trong cuộc sống hẳn bạn cũng như mình, cũng không ít lần hối tiếc vì những quyết định sai lầm trong quá khứ, và nói rằng lẽ ra mình có thể làm tốt hơn nữa. Lẽ ra mình nên chọn lựa chọn khác với lựa chọn hiện tại. Hàng chục thứ lẽ ra bạn nên làm mà đã không làm.

Một câu chuyện khác: vài năm trước, trên mạng xã hội bỗng rộ lên một cái email của một anh chàng Art Director đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh chàng này nhận được một email của một bạn sinh viên nộp đơn không có Cover Letter, cũng như CV sơ sài. Một cái email trả lời đại loại như thế này: “Anh từ chối tiếp nhận hồ sơ của em vì nó thiếu sự tôn trọng với nhà tuyển dụng (không có cover letter, CV sơ sài).

Anh không biết em giỏi giang đến đâu và tài ba đến chừng nào nhưng những quy tắc cơ bản như vậy mà em còn chưa nắm vững thì anh khuyên em nên học lại Giáo dục công dân nhé.”

“Cộng đồng mạng” lại dậy sóng một thời gian vì status đó.

Thế nhưng, điều mình rút ra sau những ví dụ trên là gì? Đó là nhiều lúc, con người ta hay dùng những tư tưởng, trải nghiệm ở thì hiện tại để phán xét lại những nhận định của bản thân hoặc của những “bản sao” của bản thân trong quá khứ.

Đối với ví dụ trong hình minh họa ở trên, người đã mắc phải sai lầm, đó là “nghĩ là bản thân trong quá khứ sẽ tự nhìn ra được cả A và B để lựa chọn”. Nếu quay lại quá khứ, chọn 2 con đường, một con đường thành công, một con đường dẫn đến thất bại. Ai mà chẳng chọn con đường thành công? Vấn đề ở đây là ở thời điểm quá khứ đó, chúng ta chỉ nhìn thấy một con đường duy nhất để mà đi mà thôi.

Trong ví dụ thứ 2, anh bạn Art Director khi đưa ra một phản hồi như vậy, mình nghĩ là anh bạn này cũng đang phạm phải sai lầm tương tự. Anh ta nghĩ những thứ như là “CV”, “Cover Letter” là những thứ “cơ bản”. Hay CV là sơ sài là một thứ dễ nhận ra với một bạn sinh viên chưa tốt nghiệp? Hẳn là anh cũng quên mất rằng chính anh, có khi năm, bảy năm về trước cũng đã từng ngờ nghệch, ngây thơ với những sai lầm của tuổi trẻ. Hẳn là phải có những thứ là đơn giản ở thì hiện tại với anh, nhưng với anh ở quá khứ thì là một điều xa lạ. Hẳn là sẽ có những điều như vậy, trừ khi anh là thiên tài, sinh ra đã biết hết mọi thứ mà anh cho là “cơ bản”, mà xác suất cho việc này xảy ra chắc cũng có nhưng cũng không được phổ biến cho lắm, nhỉ?

Có một thuật ngữ chung để ám chỉ lỗi tư duy này, đó là Hindsight Bias. Đây là thuật ngữ ám chỉ việc chúng ta hay dùng những khuôn mẫu, những dữ kiện chúng ta đang có ở hiện tại để đánh giá cho một hành động, một quyết định gì đó trong quá khứ. GIống như người X trong ví dụ ở trên vậy.

Cách X nhìn nhận về quyết định của mình trong quá khứ là sai. Bởi vì trước đó X không hề biết sự tồn tại của con đường B. X cho rằng mình đã sai lầm khi chọn con đường A, mà không chọn lấy B. Nhưng chính suy nghĩ này mới là sai lầm, vì thực ra, khi bắt đầu đi trên con đường này, X có nhìn thấy được B đâu?

Khi phán xét một quyết định gì đó đúng hay sai trong quá khứ, cần phải đặt quyết định đó trong ngữ cảnh của quá khứ để phán xét. X đã chọn con đường A, vì thời điểm đó với X, A là con đường duy nhất có thể chọn. Chứ bản thân X không hề sai lầm trong việc lựa chọn A và B, vì ở thời điểm đó, X không biết B có tồn tại.

Hindsight Bias là một trong các lỗi tư duy rất phổ biến và cực kỳ khó nhận ra để mà sửa. Giống như anh bạn Art Director ở trên kia vậy, nếu anh nhớ lại bản thân đã từng ngờ nghệch, đã từng non tay nghề, đã từng chưa biết được những điều mà bây giờ với anh là “cơ bản”, hẳn là anh sẽ không phản hồi email lại cho bạn sinh viên kia như vậy. Vì làm vậy có khác nào anh đang chửi lấy bản sao của quá khứ chính mình đâu?

Để tránh Hindsight Bias, một kỹ thuật được Rolf Dobelli đề cập trong quyển The art of thinking clearly mà mình cũng thấy hiệu quả đó là “ghi nhật ký một cách chân thực”. Chỉ cần bạn thực sự ghi xuống những suy nghĩ, những thông tin liên quan đến quyết định của mình đã ra ở thời điểm hiện tại, thì một ngày nào đó trong tương lại, bạn có thể giở ra đọc lại để nghiền ngẫm những quyết định của mình một cách khách quan hơn.

Và lâu lâu, có khi bạn cũng sẽ tự cười nhạo chính mình vì nhận ra “Ờ thì, tôi cũng đã từng …. ngu thế đấy.”

3 thoughts on “Hindsight Bias – Ta đã từng … ngu như vậy đấy

  1. Với mình thì luôn tự bảo “Không có lựa chọn nào là sai lầm đâu tôi ơi. Mỗi lựa chọn lại rẽ sang một nhánh rồi, và ta cũng chẳng biết là liệu chọn nhánh kia có tốt hơn không” (trừ phi cái sai nó quá rõ ràng thôi 😉)

    Liked by 1 person

  2. Tự nhiên đọc xong lại thấy mắc cười bản thân vì đã từng suy nghĩ giống vậy. Thậm chí đến bây giờ vẫn cứ cảm thấy tiếc nuối và hối hận cho những hành động đã qua của bản thân.

    Like

Leave a comment