- Mày trễ deadline lần này là lần thứ mấy rồi? Hai lần trước lần nào cũng bảo là cho mày 1 tuần, mày sẽ sửa xong. Còn lần này mày lại bảo là cho mày thêm 1 tuần? Có chắc không?
- Chắc, lần này tao sẽ làm xong trong 1 tuần.
- Hừ, lần này thôi nhé. …
Đó là cuộc nói chuyện đã diễn ra ít năm về trước, và trong đó, mình ở phe … có lỗi.
Chuyện là khi đó đang làm dự án cho khách hàng. Ban đầu, dự án diễn ra trơn tru, khách hàng cho thời gian 2-3 tháng để hoàn thành. Đến gần thời hạn giao kèo thì vấn đề bắt đầu phát sinh, đó là khi team phát hiện ra đã chọn sai hướng đi ngay từ đầu.
Bấy giờ mình chỉ thấy được có 2 lựa chọn, hoặc là bằng mọi giá tìm cách chữa cháy, hoặc là phải báo với khách hàng là cần thêm 2 tháng nữa mới hoàn thành.
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn cách nào?
Bản thân mình đã chọn cách thứ nhất, kết quả là những cách chữa cháy đã khiến vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Kết quả là dự án kéo dài gấp đôi so với còn số 2 tháng ban đầu dự định, và khách hàng cũng ngưng dự án giữa chừng.
Thực lòng mà nói, những sai lầm tương tự bản thân đã phạm phải không chỉ một lần.
Và nếu có một bài học mà mình đã nghiệm lại sau những quyết định sai lầm như vậy, thì đó là bài học về “chi phí chìm”.
Chi phí chìm (Sunk Cost) là một thuật ngữ ám chỉ những thứ “chi phí” mà chúng ta đã bỏ ra trong quá khứ và không thể lấy lại được, nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến quá trình cân nhắc để đưa ra quyết định. Chi phí chìm, khiến chúng ta thay vì chọn giải pháp lý trí nhất ở thời điểm đó, chúng ta lại để cho cảm xúc chi phối, khiến đưa ra những quyết định sai lệch.
Một vài ví dụ cho những tình huống về chi phí chìm:
- Một nhà đầu tư đang thua lỗ vì một mã chứng khoán đang tuột dốc. Thay vì tìm mọi cách để cắt lỗ ngay thì nhà đầu tư lại giữ và hy vọng mong manh là mã sẽ tăng lại. Trong khi thị trường đang nói điều ngược lại.
- Một team-leader ước tính sai dự án. Ban đầu bạn ước tính là 2 tháng. Nhưng sau quá trình làm thì lại kéo dài thành 3-4 tháng. Vì không muốn đối mặt với ước tính sai ban đầu của mình nên bạn tìm cách trì hoãn thêm vài ngày, 1-2 tuần. Cuối cùng dẫn đến dự án kéo dài hơn cả khoảng thời gian 3-4 tháng dự tính ban đầu, chỉ vì chọn những cách làm ngắn hạn.
- Một anh chàng vô tinh nói dối lời đầu tiên, thế là sau đó thay vì dũng cảm nhận lỗi sai thì lại tiếp tục với những lời nối dối tiếp theo….
- Hay một cặp đôi, dù biết rằng cả hai không còn phù hợp, … nhưng bởi vì đã lỡ bỏ ra quá nhiều thời gian bên nhau, nên phải đám cưới. Và sau đó là một kết thúc bằng cuộc ly hôn chóng vánh.
Đặc điểm chung của những tình huống được liệt kê ở trên, đó là đều xuất phát từ những suy nghĩ: “Đã lỗ đến thế này rồi, ráng nữa hy vọng tốt hơn”, “Đã lỡ xin dời rồi, nếu dời gấp 2-3 lần thời gian dễ gì họ chịu, thôi ráng ráng delay thêm”, “Đã lỡ nói sai rồi, giờ mà sửa lại thì mất mặt, thôi cứ nói dối tiếp cho yên chuyện”, …. những thứ suy nghĩ đó chính là khi chúng ta bị “chi phí chìm” chi phối đó bạn ạ.
Để tránh chi phí chìm, cách hiệu quả nhất mình thấy, vẫn là thẳng thắn thừa nhận.
Thừa nhận mình đã sai, thừa nhận mình đã nói dối, thừa nhận mình đã dở và làm chưa tốt, … nó cần sự dũng cảm. Chỉ khi bạn thẳng thắn đối mặt với sai lầm của mình, thì quyết định đưa ra mới lý tính và sáng suốt hơn. Ảnh hưởng của chi phí chìm cũng vì vậy mà giảm bớt hơn.
Để làm được điều này mình thấy thật sự không dễ. Giữa cuộc sống công việc bận bịu, đủ thứ áp lực, deadline từ sếp, từ khách hàng, …. luôn không ngừng quấn lấy bạn. Đủ can đảm để thừa nhận mình đã sai không hẳn lúc nào cũng nhận được sự đồng tình từ các phía.
Rõ ràng là không dễ. Và bản thân cũng cứ làm sai miết.
Nhưng mà.
Dù sao đấy cũng là điều nên làm, đúng không?
Đọc những bài viết của bạn cảm thấy như tìm được lời giải đáp cho bản thân vậy.
LikeLike