Trong chuyện ăn nói, đã là làm ăn thì chuyện có sao nói đó có vẻ như là “hơi hiếm”. Và đâu đó xung quanh mình sẽ nghe nhiều về những lời nói dối “khéo léo” hơn là những lời thật lòng.
Thế nào là những lời nói “khéo léo”? Đó là những lời nói “không sai” nếu xét về mặt logic. Nhưng với mục đích định hướng người nghe hiểu sai bản chất vấn đề.
Bản thân mình nghĩ, nói dối hay nói thật, không phải ở chỗ bạn có nói sai sự thật hay không, mà là ở chỗ trong nội tâm của bạn suy nghĩ về nó như thế nào. Bạn cố ý truyền đạt sai thông tin để định hướng người nghe, thì cũng được xem là nói dối.
Và đã là nói dối, thì hầu như hiếm khi nào là điều tốt.
Tổng hợp lại vài tình huống thường gặp cho các bạn nào chưa quen với những lời nói dối kiểu này thì đọc chơi.
Đã từng có cơ hội làm việc với công ty lớn
Lâu lâu đi cafe hay là đi event này nọ, sẽ thấy xuất hiện vài nhân vật quen biết nhiều, quen biết rộng, start-up tiềm năng, … Và những câu nói khoe khoang về cơ hội này, dự án kia hẳn là không thể thiếu.
Thực sự thì việc đạt được thành tựu gì đó là thứ đáng để con người ta tự hào. Làm được một dự án có quy mô, được làm việc với những đối tác to, xây dựng được những sản phẩm tốt và được đón nhận là một niềm tự hào chính đáng. Tuy nhiên, nhiều người hơi lạm dụng những thông tin này để PR cho bản thân các kiểu, đại loại như:
“Công ty tôi năm ngoái có làm dự án cho X, một tập đoàn đa quốc gia đấy.”
Nghe câu này, hẳn người nghe sẽ nghĩ: “Ồ, công ty bạn này làm được dự án vậy chắc là không phải dạng vừa đâu nhỉ, chắc nhiều tiền lắm, chắc là bạn giỏi lắm….”
Thế nhưng trong thực tế, công ty của bạn này đã từng được bộ phận nhân sự của công ty X giao cho làm một cái game nhỏ cho nhân viên chơi để học tiếng anh. Thù lao 5-7 triệu đồng. Cũng được tính là “làm dự án với tập đoàn đa quốc gia”, nhỉ?
Tôi có quen anh này, anh kia
Quen biết người nổi tiếng hay bị đánh đồng với thực lực. Và việc nêu ra cho người ta biết mình quen người này người kia thường nhằm định hướng rằng “tôi cũng tài giỏi chẳng kém họ đâu, nên mới quen họ”… Nhưng thực sự thì chắc bạn cũng nhìn ra được, bạn giỏi và người bạn quen biết là giỏi, vốn là hai thứ độc lập với nhau.
Huống hồ, gặp trong một sự kiện, bắt tay một cái, đưa danh thiếp cho nhau, thế cũng được tính là đã “quen” nhỉ? Nếu không được tính thì cũng … không sao. Dù sao bạn cũng đâu có nói dối về điều đó?
Lập lờ về con số
Con số là một trong những cách nói dối dễ nhất.
Một vài ví dụ như: “Công ty tôi có nhiều khách hàng nước ngoài lắm.” Hai thì cũng được tính là nhiều, đúng không?
Hay là “Công ty tôi có bảy nhân viên, đội ngũ rất nhiều kinh nghiệm”. Ừ thì trong team có một người 7 năm kinh nghiệm, còn lại là 6 thực tập sinh, cũng được xem là “nhiều kinh nghiệm”, đúng không?
Và một ví dụ cuối: “Doanh thu công ty tôi năm nay đặt ra là 1 triệu đô, mà với tình hình đến tháng 9 này chắc là chưa đạt được mục tiêu rồi”. Thực tế thì doanh thu của công ty bạn này vài chục ngàn đến hơn 1 trăm ngàn là cùng, bạn có đặt mục tiêu là một chuyện, còn có thực tế hay không là chuyện khác.
Dù sao thì, bạn chẳng nói gì sai sự thật cả. Thế thôi.